Thiếu máu hồng cầu nhỏ là bệnh lý khá nguy hiểm và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vậy, nguyên nhân gây ra bệnh là gì? Làm cách nào để điều trị? Mời bạn đọc tìm hiểu trong bài viết dưới đây:
Thiếu máu hồng cầu nhỏ là bệnh gì?
Thiếu máu hồng cầu nhỏ là tình trạng thiếu máu mà các tế bào hồng cầu nhỏ có kích thước nhỏ hơn bình thường. Đồng thời, số lượng hồng cầu trong cơ thể thấp hơn so với tiêu chuẩn.
Thiếu nguyên liệu để sản xuất huyết sắc tố Hemoglobin là một trong những nguyên nhân chính gây thiếu máu hồng cầu nhỏ. Hemoglobin không chỉ tham gia vào cấu tạo máu, mà nó còn đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy. Do đó, bệnh nhân mắc thiếu máu, cơ thể thường có các triệu chứng đặc trưng của thiếu oxy [1].
Dấu hiệu bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ
Dấu hiệu bệnh thiếu máu ở giai đoạn đầu thường ít và không rõ ràng. Các triệu chứng xuất hiện rõ hơn khi bệnh tiến triển và gây ảnh hưởng tới các mô trong cơ thể.
Các dấu hiệu đặc trưng ở bệnh nhân bị thiếu máu hồng cầu nhỏ bao gồm:
- Khó thở, hụt hơi.
- Cơ thể mệt mỏi, mất sức.
- Sức khỏe suy nhược.
- Chóng mặt, hoa mắt.
- Da nhợt nhạt, thiếu sức sống.
Nếu bạn mắc các triệu chứng trên trong thời gian dài (từ 2 tuần trở lên), hãy đi thăm khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây thiếu máu hồng cầu nhỏ
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, thiếu máu hồng cầu nhỏ có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu thông thường. Hoặc nó là biểu hiện của rối loạn máu khác. Có 5 nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là:
Thiếu sắt
Sắt là nguyên liệu quan trọng để cơ thể sản xuất huyết sắc tố. Theo thống kê, nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu máu hồng cầu nhỏ là do máu thiếu sắt. Người thiếu máu do thiếu sắt trong các trường hợp:
- Phụ nữ có thai: Nhu cầu sắt cao hơn so với bình thường.
- Chế độ ăn uống thiếu sắt.
- Cơ thể kém hấp thu sắt ở người bị bệnh Celiac hay người nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.
- Nữ giới trong thời kỳ hành kinh ra nhiều máu.
- Bệnh nhân loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa hay viêm ruột.
Bệnh Thalassemia
Thalassemia hay còn được gọi là tan máu bẩm sinh. Đây là bệnh di truyền do đột biến gen gây ra. Khi mắc bệnh Thalassemia, người bệnh bị thiếu máu nhưng thừa sắt, quá trình sản xuất huyết sắc tố bị ảnh hưởng. Thiếu máu hồng cầu nhỏ là biểu hiện ở bệnh nhân mắc bệnh này.
Mắc bệnh mạn tính
Bệnh nhân mắc bệnh mạn tính hoặc bị viêm nhiễm kích thích cơ thể sản sinh ra cytokine. Quá trình này giúp cơ thể chống lại viêm nhiễm nhưng vô hình chung lại cản trở sự hấp thu sắt. Ngoài ra, viêm nhiễm gây xuất huyết và suy giảm lượng hồng cầu trong cơ thể và gây ra tình trạng thiếu máu. Thiếu máu hồng cầu nhỏ này thường gặp ở các trường hợp như:
- Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm: Lao, HIV/AIDs, viêm nội tâm mạc.
- Người bị viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, bệnh Crohn.
- Bệnh nhân ung thư.
- Người bị bệnh về thận.
- Thiếu máu nguyên hồng cầu
Bệnh nhân thiếu máu nguyên hồng cầu có thể do di truyền, đột biến gen hoặc trong quá trình phát triển. Bệnh thiếu máu này xảy ra khi tủy xương tạo ra các nguyên bào sắt thay vì sản xuất tế bào hồng cầu như bình thường.
Các nguyên bào sắt “bị nhốt” trong ty thể khiến sắt không tham gia vào quá trình tạo huyết sắc tố. Từ đó gây ra tình trạng thiếu máu.
Nhiễm độc chì
Chì khi đi vào cơ thể sẽ gắn vào hồng cầu và ức chế enzym porphobilinogen synthase và ferrochelatase. Từ đó nó cản trở quá trình tổng hợp huyết sắc tố hemoglobin, gây thiếu máu.
Tình trạng nhiễm độc chì thường gặp ở người tiếp xúc nhiều với xăng, sơn, đồ vật chứa chì.
Thiếu máu hồng cầu nhỏ chữa khỏi được không?
Điều trị thiếu máu hồng cầu nhỏ cần tập trung điều trị nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tùy theo trường hợp cụ thể của bệnh nhân sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Phụ nữ bị thiếu máu nghiêm trọng trong thời kỳ hành kinh thường được chỉ định bổ sung sắt.
Đối với bệnh nhân có cơ thể kém hấp thu sắt, bác sĩ chỉ định bổ sung sắt kết hợp sử dụng vitamin C. Sắt giúp điều trị bệnh thiếu máu, vitamin C giúp cơ thể tăng khả năng hấp thu chất sắt.
Với trường hợp thiếu máu do mắc bệnh mạn tính hoặc viêm, điều trị bằng kháng sinh là liệu pháp chấm dứt nguyên nhân gây thiếu máu.
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật đối với bệnh nhân mất máu cấp hoặc mãn tính bởi tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa hay khối u trong ruột. Sau đó, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân bổ sung sắt để bù đắp lại lượng máu đã mất.
Trường hợp bệnh nhân thiếu máu nghiêm trọng, có thể dẫn tới biến chứng như suy tim. Bác sĩ sẽ chỉ định truyền máu các tế bào hồng cầu. Nó giúp bổ sung nhanh số lượng hồng cầu khỏe mạnh để duy trì sức khỏe bệnh nhân.
Người thiếu máu hồng cầu nhỏ do ngộ độc chì, hay thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ ở trẻ, liệu pháp chelation được ưu tiên.
Ngoài ra, song song với các biện pháp điều trị nguyên nhân, bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh [2].
Chế độ dinh dưỡng cho người thiếu máu
Cung cấp đủ hàm lượng sắt qua chế độ ăn uống là phương pháp tốt nhất để cải thiện thiếu máu. Đặc biệt với bệnh nhân đang thiếu máu, bổ sung sắt hàng ngày là điều cần thiết. Tăng lượng vitamin C trong khẩu phần ăn giúp cơ thể tăng khả năng hấp thu sắt.
Thực phẩm giàu chất sắt mà bạn nên bổ sung vào bữa ăn bao gồm:
- Thịt đỏ: Thịt bò, thịt lợn, thịt dê,…
- Thịt gia cầm: Gà, vịt, ngan,…
- Rau có lá màu xanh đậm.
- Đậu.
- Trái cây sấy khô: Nho khô, mơ khô,…
Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm:
- Trái cây họ cam quýt, bưởi, chanh,…
- Cải xoăn, rau bắp cải.
- Ớt đỏ.
- Súp lơ.
- Dâu tây, dứa, ổi,…
Hãy đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể để hạn chế tình trạng thiếu máu nhé